Quan lộ Hòa_Thân

Khi mới gia nhập triều đình, năm 22 tuổi, Hòa Thân giữ chức vị Thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như các đóng góp cho triều đình. Nhờ học thuộc Luận Ngữ, Hòa Thân đã trở thành thị vệ duy nhất có thể đàm đạo cùng Càn Long.

Có lần, nhà vua thuận miệng dẫn một câu trong Luận Ngữ để biểu đạt ý trách cứ với quần thần. Khi đó, một thị vệ tuấn tú đã tiếp lời ông. Không chỉ hiểu ý Càn Long, thị vệ kia còn đưa ra một câu trả lời khiến Hoàng đế vô cùng hài lòng. Đó không ai khác chính là Hòa Thân. Từ đó về sau, Càn Long đã bắt đầu để mắt và thích đàm đạo cùng người thị vệ họ Hòa này.

Có lần, Càn Long ngồi ở Viên Minh Viên xem chú giải của Chu Hi về "Mạnh Tử". Nhưng vì chữ quả nhỏ nên Hoàng đế cảm thấy khó nhìn. Ngay lúc ấy, Hòa Thân đã nhanh chí học thuộc toàn bộ chú giải và đọc lại cho Hoàng đế nghe. Nhờ vậy, Hoàng đế khen ngợi ông có tài học, ban chỉ phong cho chức tước. Kể từ đó, Hòa Thân chính thức bắt đầu con đường quan lộ của mình.

Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng. Theo như lời đồn đại, Càn Long có một ấn tượng rất đặc biệt với vẻ ngoài của Hòa Thân. Vẻ ngoài ấy hao hao giống với một người tì thiếp đã bị thất sủng và mất mạng do lỗi của Càn Long khi ông còn nhỏ. Vì vậy Càn Long luôn có một sự ưu ái đặc biệt với Hòa Thân.[3][5] Tuy không tiến thân bằng gia thế hay từ công danh khoa bảng, nhờ trí thông minh và năng lực bản thân, biết được bốn thứ tiếng: Mãn, Hán, Mông, Tạng; Hòa Thân sau đó đã được thăng tiến dần lên các chức hàm quan trọng trong triều đình như: Đại học sĩ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc.

Ban đầu, Hòa Thân vô cùng hăng hái và nhiệt huyết, một lòng muốn làm một vị quan tốt, thậm chí là một vị quan thanh liêm, chính tích xuất sắc. Tháng giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng 3 năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội vụ. Khi cảm nhận được sự vững chắc của địa vị cũng là lúc Hòa Thân thấu hiểu chân lý “gần vua như gần cọp”. Ông lo lắng nếu một ngày bị bãi quan sẽ không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào tích cóp bổng lộc ít ỏi của triều đình.

Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), Đại học sỹ kiêm Tổng đốc Vân Quý là Lý Thị Nghiêu bị tố giác tham nhũng. Càn Long liền hạ lệnh cho Thị lang Bộ Hình là Khách Ninh và Hòa Thân điều tra vụ việc. Trong vụ việc này, Hòa Thân quên ăn quên ngủ, trải qua một thời gian dài ngầm điều tra, tìm được chứng cứ tham ô của Lý và đưa ông ta ra công đường. Sau chiến tích đó, Hòa Thân được thăng chức lên hộ bộ thượng thư. Sự việc bê bối của họ Lý gác lại, Hòa Thân cũng lén lút “bỏ túi” được phân nửa tài sản của tên tham quan này. Sau đó, Càn Long lại càng trọng dụng ông. Hòa Thân lúc này lại thêm say mê tiền tài, quyền lực.

Sau năm 1784, Hòa Thân nhận rất nhiều chức vụ khác nhau và đều là quan nhất phẩm chánh hoặc nhất phẩm tòng. Đến tháng 7 năm đó còn được phong Nam tước nhất đẳng, năm 1788 là Bá tước trung tương, năm 1795 được vua phong là công tước. Thời đó tước vị chia 5 bậc theo thứ tự từ cao xuống thấp là: công, hầu, bá, tử, nam. Thêm vào đó công tướng, hầu tước đều cao hơn quan nhất phẩm.

Được bảo đảm bởi sự ưu ái của Càn Long, Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường. Trong những năm tháng làm quan, Hòa Thân đã vơ vét và thao túng, ăn hối lộ, tham nhũng của cải của nhà nước.

Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có tương truyền rằng "Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có". Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố Nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.

Sở Văn lục đời sau viết: "Đời Thanh Cao Tông Càn Long, Hòa Thân làm quan, quyền thế khuynh đảo thiên hạ, kết bè kết đảng, đi lệch chính đạo mà kẻ sĩ trong triều chẳng dám ngăn trở".

Uốn ba tấc lưỡi, dễ dàng hóa nguy thành an

Tương truyền, có lần Càn Long hỏi Hoà Thân: "Khanh là trung thần hay gian thần?".

Hoà Thân đáp: "Thần không phải trung thần, cũng không phải gian thần. Thần là nịnh thần".

Vua Càn Long hỏi tại sao, Hoà Thân lại tiếp tục đáp: "Trung thần rồi cũng sẽ bị giết. Gian thần càng bị giết. Chỉ có nịnh thần là sống lâu nhất"!

Khi về già, Càn Long rất mực sủng ái Đôn phi. Vị phi tần này càng được nước, trở nên ngang ngược, thường xuyên đánh mắng người hầu. Có lần, Đôn phi vì một chuyện nhỏ mà đánh chết cung nữ. Càn Long biết chuyện đã vô cùng tức giận, định phế truất nàng. Đôn phi vội tìm đến cầu cứu Hòa Thân.

Vốn hiểu tính Hoàng đế, Hòa Thân biết Càn Long chỉ tức giận nhất thời, liền lấy lý do Thập công chúa còn nhỏ, cần mẹ chăm sóc để khuyên nhà vua bớt giận. Nhờ câu nói ấy, Hoàng đế chỉ giáng Đôn phi xuống làm tần. Sau này, khi đã lấy lại được sự sủng ái, Đôn phi đồng ý cho con trai Hoà Thân là Phong Thân Ân Đức kết hôn với người con gái thứ mười rất được yêu quý của Càn Long là công chúa Cố Luân Hòa Hiếu.[6] Thông qua cuộc hôn nhân với hoàng tộc, địa vị của gia tộc Hòa Thân thời bấy giờ càng trở nên vững chắc.

Vào những năm cuối đời, Càn Long càng ngày càng không thích nghe những lời trung thần, thích đao to búa lớn, khoác loác khoe khoang là thập toàn lão gia, cho rằng mình có thể sánh ngang với tổ phụ Khang Hy. Hòa Thân thì hàng ngày vẫn dùng những lời đó để mê hoặc Càn Long, luôn luôn làm cho Càn Long hả hê sung sướng.

Cách đối nhân xử thế với người thân

Sinh thời, Hòa Thân từng được mệnh danh là "đệ nhất mỹ nam tử Mãn Châu". Có giai thoại còn truyền lại rằng, ông sở hữu dung mạo rất mực tuấn tú, lại có vài phần giống với người tình cũ của Càn Long nên mới được Hoàng đế sủng ái.

Năm xưa, Hòa Thân phất lên phần nào cũng nhờ cuộc hôn nhân với Phùng Tế Văn, con gái Tổng đốc Phùng Anh Liêm. Vị quan này nổi tiếng là có duyên với phụ nữ. Cái khôn khéo của ông không chỉ có đất dụng võ trên chốn quan trường mà cũng được bộc lộ trong cách đối xử với gia đình. Cũng bởi vậy mà sau khi tham quan họ Hòa ngã ngựa và qua đời, những mỹ nhân theo ông đã nhiều năm như danh kỹ Ngô Liên Khanh, Đậu Khấu cùng ái thiếp Trường Nhị Cô đều tự tử.

Tình yêu nghệ thuật và cách "lách luật" khôn khéo

Năm xưa, Hòa Thân từng vô cùng yêu thích cuốn tiểu thuyết "Thạch đầu ký". Thế nhưng chờ mãi không thấy ra hồi thứ 40, nên vị quan này đã âm thầm tìm Cao Ngạch và lệnh cho ông viết tiếp.

Dưới thời bấy giờ, "Thạch đầu ký" nằm trong danh mục sách cấm. Cao Ngạch chiếu theo ý của Hòa Thân nên đã tiến hành biên soạn, sửa đổi, thêm nội dung ca ngợi triều đình vào cuốn tiểu thuyết này. Sau đó, Hòa Thân đổi tên sách thành "Hồng Lâu Mộng", lại nhờ Đôn phi dâng cho Càn Long. Nhà vua thấy tác phẩm ấy không có chỗ nào phản nghịch nên đã đồng ý phát hành khắp thiên hạ.

Có thể nói, Hồng Lâu Mộng được lưu truyền và phổ biến cho tới ngày hôm nay, ít nhiều cũng có một phần công sức của Hòa Thân.

Câu chuyện "có ân tất báo" của đại tham quan họ Hòa

Sau này, Hòa Thân nắm quyền quản lý, giám sát kỳ thi Hội. Hai người thầy năm xưa của ông là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang bất ngờ đến thăm và bái Hòa Thân làm thầy. Bởi hai người nhiều lần thi trượt, nên lần này muốn Hòa Thân giúp đỡ. Hòa Thân cũng không quên ân xưa, âm thầm mua chuộc thái giám bên người Hoàng đế.

Từ đó, ông biết được Càn Long gần đây thường đọc những phần nào của "Tứ thư", lại nắm rõ Hoàng đế đang quan tâm đến vấn đề gì nên gần như đoán chính xác phạm vi ra đề. Năm ấy, hai người thầy họ Ngô nhờ sự giúp đỡ của Hòa Thân nên đã thi đỗ, thuận lợi bước lên con đường làm quan.

Có tài quản lý tài chính, ngoại giao

Trước nội vụ phủ thường xuyên thu không đủ chi. Sau khi Hòa Thân nhậm chức tổng quản, nội vụ phủ đã dư giả. Hòa Thân không chỉ giỏi đánh sưu cao thuế nặng với các phú thương buôn bán lớn, các cơ sở sản xuất muối, những đại sứ ở biên ải hay các chính quyền địa phương các tỉnh, mà Hòa Thân còn chủ trương thực hiện chính sách “Nghị tội ngân” (luận tội phạt tiền) tại triều, nên quan lại trở nên tham nhũng khủng khiếp.

Tiền phạt của các quan viên từ các tỉnh ngày càng nhiều, trở thành một nguồn tài chính lớn chảy vào kim khố của hoàng đế, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của cuộc sống xa hoa, thích khoe khoang phô trương của Càn Long, về điều này Hòa Thân được Càn Long vô cùng tán dương.

Hòa Thân từng nhiều lần phụ trách tiếp sứ thần Triều Tiên, Anh... Trong “Thanh đại danh nhân truyện lược” có ghi rằng: Vào năm 1792 năm thứ 57 Càn Long, sứ thần nước Anh đã bình luận: Hòa Thân là người "luôn giữ thân phận tôn nghiêm của mình”, “thái độ hòa nhã dễ gần, nhìn nhận vấn đề rất sắc bén sâu sắc, không hổ là một chính trị gia lão luyện”.

Tham ô, vơ vét của cải

Càn Long tuổi đã già, sức đã yếu nên các việc trọng đại trong triều tự nhiên rơi vào tay Hòa Thân. Hòa Thân nắm được quyền to, các đại sự khác không thèm ngó ngàng, chỉ một mực vơ vét của cải. Ông ta không những nhận hối lộ mà còn công khai đòi tiền, không những tham ô ngấm ngầm mà còn tước đoạt trắng trợn. Các cống phẩm dâng lên hoàng đế đều phải qua tay Hòa Thân. Trước hết Hòa Thân chọn lấy những thứ cực kỳ quý hiếm, tinh xảo dành cho mình, còn thừa lại mới đưa vào cung. Hoàng đế Càn Long chẳng hỏi han gì, những người khác chẳng ai dám cáo nên lòng tham của Hòa Thân ngày càng lớn.

Theo quy định của triều đình nhà Thanh, các quan lại không được tham gia vào việc kinh doanh và thu lợi nhuận từ những dịch vụ như cầm đồ, buôn bán... Tuy nhiên, điều này đã không làm khó được kẻ ham tiền và ưa lũng đoạn như Hòa Thân. Trong khi đương chức, Hòa Thân đã tự mình mở hàng loạt những ngành nghề kinh doanh hái ra tiền như cửa hàng lương thực, cửa hàng buôn bán vũ khí, nhà hàng, quán rượu, ngân hàng. Trong chốn thương trường, Hòa Thân luôn tỏ ra là một người ngang ngược, ngạo mạn, trắng trợn chụp giật. Ngay trong xử lý mối quan hệ xã hội, y cũng mượn oai, trịch thượng hiếp đáp kẻ khác. Trong lĩnh vực kinh doanh, dựa vào thân thế cùng với quyền lực của mình, Hòa Thân đã thâu tóm hầu hết những cửa hàng buôn bán cùng nhiều mặt hàng tại kinh thành và nhiều tỉnh lớn khác tại Trung Quốc vào thời điểm đó. Tất cả chuỗi cửa hàng của Hòa Thân tại kinh thành đều có những kẻ có máu mặt cầm đầu và sẵn sàng trừ khử những đối thủ không thích nằm dưới trướng của đại thần họ Hòa.

Vào năm 1788, trong 3.000 vạn lạng bạc tiền thu thuế, Càn Long đã để Hòa Thân tự do chi phí cho mọi hoạt động của triều đình. Trong lần này, với tài biến hóa sổ sách, Hòa Thân đã đút túi không dưới vài vạn lạng. Sử sách Trung Quốc còn ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng các tỉnh cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại "bị hút" về phủ Hòa Thân.

Chuyện kể rằng, có vị quan tuần phủ trong dịp ngao du đến kinh đô đã nghe người nói đến cái tên Hòa Thân. Vì muốn được thăng chức sau nhiều năm phải giữ chân tèm nhèm trong tỉnh, vị này đã mang số tiền 5.000 lạng bạc để làm lộ phí. Kết quả là viên quan này chỉ được một tên hầu trong phủ họ Hòa ra tiếp kiến. Trong buổi gặp gỡ này, tên hầu đã đánh tiếng rằng muốn gặp được Hòa Thân ít nhất phải mang 20 vạn lạng, còn dưới mức đó thì đừng bao giờ bước chân tới phủ.

Cũng có viên quan biết được sở thích sưu tập ngọc trai của Hòa Thân nên đã nghĩ ra một cách để được tiếp kiến vị quan tham này. Viên quan trên đã mua rất nhiều ngọc trai cao cấp về rồi sai người bọc vàng xung quanh nhằm tăng giá trị quà tặng. Kết quả là trong lần đầu bước chân vào phủ họ Hòa, viên quan này đã được đích thân Hòa Thân đón tiếp.

Một lần có một vị đại thần là Tôn Sĩ Nghị từ phương Nam trở về Bắc Kinh chuẩn bị triều kiến Càn Long thì vừa hay gặp Hòa Thân ở ngay cửa cung. Hòa Thân thấy tay Tôn Sĩ Nghị cầm một chiếc hộp, liền hỏi: "Cái gì trong tay nhà ngươi thế?"

Tôn Sĩ Nghị trả lời: "Chẳng có gì cả, chỉ là cái bình đựng thuốc hít thôi".

Hòa Thân sấn đến, hoàn toàn không khách sáo chộp ngay lấy chiếc hộp. Vừa mở ra xem thì thấy cái đựng thuốc hít ấy được trảm trổ từ một viên ngọc lớn. Hòa Thân cứ mân mê mãi cái đựng thuốc, ngắm nghía và luôn miệng khen rồi nói rất trơ trẽn: "Đúng là vật báu! Thôi, cho ta đi, thế nào?"

Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt nói: "Ôi, không được đâu. Vật báu này là để dâng hoàng thượng, hôm qua tôi đã tâu với hoàng thượng rồi".

Hòa Thân sa sầm mặt, ấn thẳng chiếc bình đựng thuốc vào tay Tôn Sĩ Nghị rồi cười nhạt nói: "Chẳng qua ta đùa với ngươi thôi, làm gì mà phải như là cái anh nghèo khổ vậy!"

Tôn Sĩ Nghị dâng hộp thuốc cho hoàng đế Càn Long, được vài ngày thì ông gặp lại Hòa Thân, thấy Hòa Thân dương dương đắc ý nói: "Hôm qua ta cũng lấy được một báu vật. Nhà ngươi xem đây, có phải là cái hôm nọ ngươi cống hoàng thượng không?"

Tôn Sĩ Nghị bước đến gần, thấy đúng là chiếc hộp mình dâng cho Hoàng đế Càn Long. Tôn Sĩ Nghị nói qua loa vài câu ứng phó, bụng nghĩ thầm làm sao vật báu đó lại rơi vào tay Hòa Thân. Nhất định là Càn Long cho ông ta. Sau này ông lén dò la mới biết là Hòa Thân đã mua chuộc thái giám để lấy cắp từ cung ra. Hòa Thân lợi dụng quyền lực địa vị để tìm trăm phương ngàn kế vơ vét của cải. Một số triều thần và các quan địa phương biết thói xấu của ông ta, đã ra sức đi vơ vét của cải châu báu để đến cầu thân với Hòa Thân. Đại quan ép tiểu lại, tiểu lại nặn bóp dân chúng, đời sống dân chúng đương nhiên ngày càng khốn khó.

Hòa Thân và cuộc đấu trí với Lưu Dung

Quan điểm làm quan khác nhau nên dù không đối đầu trực tiếp nhưng giữa Hòa Thân và Lưu Dung xảy ra những "tranh chấp" ngoài ý muốn. Trong tâm Lưu Dung cho rằng làm tốt là được, làm gì cũng không màng tới sự thừa nhận của hoàng thượng, chỉ cần sống đúng với lương tâm là được. Còn Hòa Trung Đường đã làm việc nhất định phải làm hoàn hảo, phải được hoàng thượng tán dương. Vì thế, tuy không vừa mắt với thói lộng quyền, tham ô của Hòa Thân nhưng Lưu Dung cũng không hề ra mặt chống đối. Duy nhất một lần, đó là vụ án Thống đốc Sơn Tây Quốc Thái.

Quốc Thái là bác ruột của một hoàng phi trong triều, năm 1777 nhậm chức Thống đốc Sơn Đông. Khi đương nhiệm, Quốc Thái bòn rút quốc khố, tham ô của công, đàn áp, bóc lột dân chúng. Vua Càn Long đã phái Hòa Thân và Lưu Dung tới Sơn Đông để điều tra. Hòa Thân là người có quan hệ thân thiết với Quốc Thái còn cha của Quốc Thái là cấp trên của Lưu Dung khi còn làm quan ở Tứ Xuyên và Thị lang bộ Công Nặc Mục Thân.

Trong khi Hòa Thân và Nặc Mục Thân một mặt tạo chứng cớ có lợi cho Quốc Thái đồng thời thị uy Quan giám sát ngự sử Giang Nam Tiền Phong thì Lưu Dung lại ngược lại, ông cùng Tiền Phong bàn cách đối phó với Hòa Thân và Quốc Thái. Kết quả Quốc Thái bị phát hiện tham ô 8 vạn lượng bạc và bị khép tội chết. Đây là lần đối đầu đầu tiên và duy nhất của Lưu Dung với Hòa Thân khi Hòa Thân đang tại chức.

Trong các dã sử đời Thanh, các câu chuyện về Lưu Dung – Hoà Thân thường biểu hiện mối quan hệ đối kháng của hai xu thế tại triều đình, được miêu tả bằng 3 từ “bất dung hợp”. Vào một dịp đầu năm, dò biết chính xác thời điểm Hoà Thân vào cung, Lưu Dung thực hiện một kịch bản chơi khăm thú vị. Đó là lúc Bắc Kinh ngập gió tuyết, đường sá lấm bùn trơn trượt. Lưu Dung chuẩn bị một bộ áo da cũ nát, vội vã đến đứng sẵn trên con đường vào cung chờ đợi Hoà Thân.

Khi thấy Hoà Thân tới, Lưu Dung cho người đón kiệu, bẩm: “Hôm qua Lưu đại nhân có đến phủ chúc mừng Hoà đại nhân nhưng không gặp. Hiện Lưu đại nhân đang đứng bên đường chờ ngài”. Mặc dù không thích Lưu Dung, nhưng thấy họ Lưu có ý tôn trọng mình, vả lại đấy cũng là một sủng thần của hoàng thượng, Hoà Thân không dám thất lễ. Thế là Hoà Thân bước xuống kiệu, mặc dù đang lúc tuyết bay. Khi vừa kịp chào Lưu Dung, Hoà Thân phát hiện họ Lưu đang quỳ xuống trên đường tuyết, và kính cẩn: “Chúc mừng Hoà đại nhân tân niên!”. Thấy thế, Hoà Thân không thể không trả lễ; cũng quỳ xuống “hồi bái”. Lớp áo ngoài của họ Hoà – áo da beo màu trắng loại thượng hạng – phải nhúng trong lớp bùn đất dơ bẩn. Khi hai người cùng đứng lên, Hoà Thân tinh ý khám phá ý đồ của Lưu Dung được chuẩn bị qua chiếc áo khoác cũ nát chẳng đáng giá mấy đồng của họ Lưu. Bầm gan tím ruột vì bị chơi khăm, vào triều Hoà Thân kể chuyện này với vua, nghĩ rằng Càn Long sẽ nổi giận. Nhưng bất ngờ, nhà vua chỉ cười bảo: “Khanh tự nguyện quỳ xuống đất bùn, thế làm sao hỏi tội Lưu Dung được? Luật đại Thanh chúng ta đâu có điều khoản nào về việc này ?”.